Nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 26 – 32 độ C. Khi nhiệt độ vượt quá mức 33 độ C, tôm sẽ bị sốc, suy giảm sức khỏe và dễ mắc bệnh. Vậy làm thế nào để kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng, các bạn hãy cùng đi tìm câu trả lời nhé.
Tại sao phải kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng?
Kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng là một việc làm rất cần thiết
Kiểm soát ao nuôi tôm trong mùa nắng nóng rất quan trọng. Bởi lẽ nhiệt độ cao có thể gây ra một số vấn đề có hại cho tôm, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Cụ thể như sau:
Gây stress cho tôm
Thời tiết nắng nóng, cường độ nắng cao khiến nhiệt độ nước trong ao nuôi tăng, tạo điều kiện cho tảo, vi khuẩn và các sinh vật khác sinh sản mạnh. Vùng thủy vực dễ bị phân tầng như oxycline, thermocline. Các vùng nước trong ao cũng có xu hướng trở nên kém trong suốt, độ pH cao, thiếu oxy hòa tan,… khiến tôm stress, giảm sức chịu đựng và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Giảm nồng độ oxy trong nước
Nhiệt độ cao cũng làm giảm khả năng hấp thụ oxy của nước, khiến lượng oxy cung cấp cho tôm bị thiếu hụt. Điều này có thể gây nguy hiểm cho tôm và gây ra tình trạng thiếu oxy trong ao.
Tăng nguy cơ bệnh tật
Nhiệt độ cao cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và bệnh tật cho tôm. Các vi khuẩn, virus thường phát triển mạnh hơn trong môi trường nước ấm và gây ra các vấn đề sức khỏe cho tôm. Một trong những bệnh phổ biến mà tôm thường mắc phải là bệnh phân trắng. Khi mắc bệnh, chức năng gan của tôm bị suy giảm, khả năng miễn dịch và tiêu hóa của tôm cũng vì thế mà yếu đi. Nếu tôm ăn phải bùn, rong rêu hoặc thức ăn bị ôi thiu, tôm rất dễ bị nhiễm khuẩn và bùng phát bệnh phân trắng.
Tăng hàm lượng khí ammoniac
Nắng nóng làm tăng lượng khí độc trong ao tôm
Nhiệt độ nước cao có thể làm tăng hàm lượng khí amoniac trong ao do tôm tiêu thụ thức ăn và thải phân nhiều hơn. Amoniac là một chất khí độc hại và nếu không được kiểm soát, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho tôm.
Giảm tốc độ tăng trưởng của tôm
Nhiệt độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tôm, khiến tốc độ tăng trưởng của chúng bị giảm xuống. Cụ thể là khi nhiệt độ cao, đáy ao nóng và có mùi hôi, lượng oxy hòa tan thấp và tôm dễ nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây ra, ví dụ như viêm ruột và thối mang.
Tổn chết do nhiệt độ nước cao
Nhiệt độ trong nước cao cũng có thể làm tăng tỷ lệ chết của tôm, gây tổn thất lớn về mặt kinh tế cho người nuôi.
Tôm lột xác không thành công
Khi nhiệt độ tăng cao, điều kiện môi trường nước nuôi tôm cũng thay đổi kiến tôm lột xác bất thường. Quá trình chuyển hóa canxi, photpho khi lột xác của tôm cũng gặp khó khăn.
Triệu chứng chủ yếu trên tôm là tôm gầy và mềm, cụ thể thân mềm giống như sợi bún, cơ thể gầy yếu, sức sống kém, di chuyển chậm chạp, màu sắc cơ thể chuyển sẫm, hơi đỏ, mang có màu vàng hoặc trắng, phần roi cũng có màu đỏ và dạ dày thì trống rỗng.
Cách kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng hữu ích
Trước những ảnh hưởng nghiêm trong của nhiệt độ nước cao trong mùa nắng nóng, bà con cần áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Điều này sẽ giúp ích cho bà con trong vụ nuôi tôm. Dưới đây là cách kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng mà bà con có thể tham khảo:
– Kiểm soát nguồn nước cấp
Kiểm soát nước ao nuôi
- Để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi, nước được cấp từ ao lắng sang ao nuôi cần phải cho đi qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày, đồng thời phải được diệt khuẩn triệt để.
- Duy trì mức nước trong ao nuôi thâm canh, bán thâm canh từ 1,2 – 1,5 m trở lên, tốt nhất là khoảng1,5m. Ở mức nước này, môi trường nước trong ao nuôi tôm sẽ ít có biến động nhiệt, từ đó hạn chế được rủi ro về dịch bệnh.
- Kiểm tra các yếu tố nhiệt độ, độ pH, nồng độ oxy hòa tan, độ kiềm, độ mặn, khí độc và theo dõi hoạt động của tôm để kịp thời có biện pháp xử lý.
– Kiểm soát hệ thống ao
- Khi cải tạo ao nuôi, bà con cần nạo vét hết lớp bùn đen lắng đọng dưới đáy ao của vụ nuôi trước. Lớp bùn cần nạo vét dày khoảng 10 – 20cm.
- Phần đáy ao cần được san bằng phẳng hoặc lót bạt dưới đáy.
- Bờ ao cần được gia cố chắc chắn để hạn chế sự rò rỉ nước.
- Dùng vôi để xử lý sát trùng đáy ao, sau đó phơi đáy ao.
- Ao lắng nên có độ sâu lớn (2 – 3 m) để có thể xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi đưa vào ao nuôi. Đây cũng là nơi chứa nguồn nước dự trữ để bù đắp vào ao tôm khi mực nước trong ao bị cạn do sự bốc hơi của nước. Diện tích ao lắng và ao xử lý chiếm khoảng 60% toàn hệ thống ao, ao nuôi chỉ chiếm 40%.
- Lắp đặt đầy đủ hệ thống quạt khí để có thể cung cấp đầy đủ lượng oxy hòa tan xuống tầng đáy ao, tránh sự phân tầng nhiệt độ của nước trong ao.
– Thả giống
- Để tăng sức chống chịu của tôm, bà con nên chọn thả tôm cỡ lớn (PL12 trở lên) hoặc thiết kế giai ương tôm có mái che phủ. Sau 1 tháng thì có thể chuyển tôm ra ao nuôi.
- Mật độ thả tôm với tôm sú 15 – 20 con/m2, còn với tôm thẻ chân trắng thâm canh 50 – 60 con/m2. Cách này sẽ giúp tôm bớt stress khi trời nóng.
- Nếu mua giống ở xa, cần vận chuyển tôm trong bao nilon có bơm khí oxy và phải đóng kín trong thùng xốp, duy trì mức nhiệt độ khoảng 20 – 24 độ C.
- Thời điểm thích hợp để thả giống là khi trời mát, ví dụ như buổi sáng sớm hoặc chiều tối.
- Trước khi thả giống, ao nuôi tôm cần được gây màu nước, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu xuyên xuống đáy ao vì điều này không chỉ làm tăng nhiệt độ nước mà còn tạo điều kiện cho tảo đáy phát triển.
– Chăm sóc, quản lý tôm nuôi
- Khi nhiệt độ khoảng 26 – 32 độ, bà con nên cho tôm ăn đúng khẩu phần và phù hợp với quy trình, tránh cho ăn dư thừa. Khi nắng nóng, tôm sẽ giảm ăn. Lúc này, lượng thức ăn nên giảm xuống bằng 70 – 80% lượng thức ăn bình thường, sau đó tăng lượng thức ăn lên khi cho tôm ăn lúc trời mát.
- Sử dụng màn lưới đen, chống nắng và căng phía trên mặt. Mục đích của việc này là hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm sự gia tăng nhiệt nước ao và tránh gây sốc cho tôm.
Sử dụng màn lưới đen, chống nắng và căng phía trên mặt ao
- Vào mùa nắng nóng, trời ít mưa, nước bốc hơi nhiều đã khiến độ mặt trong ao tăng, độ trong thấp, tôm dễ mắc bệnh, khó lột xác và chậm phát triển. Lúc này, bà con cần bổ sung nước mát (ở tầng đáy) của ao lắng vào ao nuôi nhằm đảm bảo mức nhiệt độ và độ mặn ổn định trong ao.
- Tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng oxy được cung cấp đầy đủ cho mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, vó đánh bắt kiểm tra tôm vào những ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm.
- Định kỳ xiphông nền đáy ao để giảm bớt lượng mùn bã hữu cơ trong ao, từ đó hạn chế sự phát sinh của các khí độc gây ảnh hưởng đến tôm.
- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học EM gốc để xử lý môi trường nước ao nuôi nhằm hạn chế chất hữu cơ và khí độc ở đáy ao. Đồng thời kết hợp thêm vitamin để tăng lượng vi sinh vật phù du trong nước, giúp tăng thức ăn cho tôm và ức chế sự phát triển vi khuẩn có hại.
- Bà con có thể chế biến và sử dụng EM tỏi, chuối để bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày cho tôm để tăng cường khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, từ đó kích thích tôm tăng trưởng.
Nói tóm lại, việc kiểm soát ao nuôi tôm mùa nắng nóng rất quan trọng. Kiểm soát tốt sẽ giúp bà con đảm bảo sức khỏe và sự tăng trưởng của tôm, từ đó giảm thiểu tối đa tổn thất kinh tế cho vụ nuôi. Bằng việc kết hợp các biện pháp trên, bà con có thể kiểm soát ao nuôi tôm hiệu quả trong mùa nắng nóng